Bệnh trào ngược dạ dày là một trong những bệnh phổ biến của hệ tiêu hóa với tỷ lệ mắc khoảng 20%. Không những thế, các biến chứng của bệnh như: Viêm thực quản, loét dạ dày thực quản,... đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người mắc. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh trào ngược dạ dày, mời bạn tham khảo bài viết này của chúng tôi.
Bệnh trào ngược dạ dày là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày (hay trào ngược dạ dày thực quản) là tình trạng acid trong dạ dày đẩy ngược lên thực quản. Bình thường, thức ăn sẽ đi qua thực quản vào dạ dày và bị giữ lại nhờ cơ vòng thực quản dưới. Tuy nhiên, khi dải cơ này bị giãn hoặc mất toàn bộ trương lực sẽ khiến các chất trong dạ dày trào lên thực quản.
Đặc biệt, trong đó có acid hydrochloric (một loại acid có khả năng ăn mòn rất mạnh) sẽ làm tổn thương thực quản và gây kích ứng, đau và bỏng rát. Nguy hiểm hơn, bệnh trào ngược dạ dày có thể dẫn đến viêm thực quản, loét dạ dày thực quản, chít hẹp thực quản, Barrett thực quản và ung thư biểu mô thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày là tình trạng acid dạ dày chảy ngược lên thực quản
Dấu hiệu bệnh trào ngược dạ dày
Một số dấu hiệu dễ nhận thấy ở người mắc bệnh trào ngược dạ dày là:
- Chứng ợ nóng - đây là triệu chứng phổ biến nhất.
- Đau tức ngực - cơn đau bắt đầu từ xương ức rồi lan dần lên vùng cổ và họng.
- Có cảm giác thức ăn trào ngược vào miệng và để lại vị chua, đắng.
- Hôi miệng, buồn nôn, nôn mửa.
- Cảm giác có khối u trong cổ họng, nuốt vướng, khó thở.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng trào ngược acid xảy ra vào ban đêm, có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng:
- Ho nhiều vào ban đêm.
- Viêm thanh quản.
- Mắc hen suyễn hoặc làm xấu đi tình trạng này.
- Thức giấc giữa đêm.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày
Khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày của bạn thường tăng lên nếu có một trong số các nguy cơ sau:
- Bị thừa cân, béo phì.
- Đang mắc bệnh liệt dạ dày - thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn bình thường.
- Phụ nữ đang trong thai kỳ.
- Bị các chứng bệnh liên quan đến tự miễn như lupus, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp.
Trào ngược dạ dày có chữa được không? Điều trị thế nào?
Bệnh trào ngược dạ dày là bệnh hoàn toàn có thể chữa được nếu bạn kiểm soát tốt chế độ ăn uống, dùng thuốc tây y điều trị và kết hợp sử dụng thảo dược hỗ trợ.
Điều trị bằng thuốc tây
Điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc tây là một phương pháp khá đơn giản nhưng thường chỉ giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng. Các nhóm thuốc thường được bác sĩ chỉ định gồm:
Thuốc kháng acid
Thuốc kháng acid được sử dụng với mục đích trung hòa acid trong thực quản và dạ dày, do đó ngăn chặn được chứng ợ chua, giảm đau nhanh chóng. Nhưng chỉ dùng riêng thuốc kháng acid sẽ không chữa được tình trạng viêm thực quản do acid dạ dày gây ra.
Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc trong một thời gian dài sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ như: Tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa canxi, tích tụ magnesi (gây ra các vấn đề về thận).
Thuốc chẹn thụ thể H2
Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm sản xuất acid dạ dày. Tuy không cho thấy hiệu quả nhanh như thuốc kháng acid nhưng chúng giúp giảm đau lâu hơn và có thể ngăn chặn việc sản xuất acid trong tối đa 12 giờ.
Thuốc chẹn thụ thể H2 bao gồm các thuốc: Cimetidine, famotidine, ranitidine, nizatidine. Các thuốc này đều được cơ thể hấp thu tốt nhưng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 và gãy xương.
Một số thuốc chẹn thụ thể H2 chữa trào ngược dạ dày
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Đây là nhóm thuốc có khả năng ức chế bơm acid nhờ đó chúng có tác dụng ngăn chặn sản xuất acid mạnh hơn nhóm thuốc chẹn thụ thể H2. Tác dụng của thuốc kéo dài nên các mô thực quản bị tổn thương có thời gian lành lại. Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu, thường xuất hiện một số tác dụng không mong muốn như: Tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn, thiếu hụt vitamin B12, tăng nguy cơ gãy xương hông.
Thuốc tăng cường trương lực cơ vòng thực quản dưới
Baclofen là thuốc được sử dụng để tăng trương lực cơ vòng thực quản dưới bằng cách giảm tần suất giãn cơ này. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc này là buồn nôn và tiêu chảy.
Thay đổi thói quen sinh hoạt để cải thiện bệnh trào ngược dạ dày
Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày có thể giảm đi đáng kể nếu bạn biết một số cách chữa đơn giản tại nhà sau:
Nằm là tư thế khiến thức ăn dễ bị đẩy lên thực quản nếu bạn đang bị bệnh trào ngược dạ dày. Vì thế, chỉ nên nằm hoặc đi ngủ sau khi ăn 2-3 giờ. Việc này sẽ giúp dạ dày có thời gian tiêu hóa và đưa thức ăn xuống ruột. Nồng độ acid trong dạ dày cũng sẽ giảm xuống trước khi bạn đi ngủ.
Thừa cân, đặc biệt ở vùng bụng, sẽ gây áp lực và đẩy dạ dày lên trên. Điều đó sẽ làm tăng cao nguy cơ trào ngược acid dạ dày lên thực quản.
Duy trì cân nặng hợp lý là một cách kiểm soát trào ngược dạ dày
Nâng cao đầu giường và nằm nghiêng sang bên trái
Bạn nên nâng cao giường sao cho phần đầu và ngực cao hơn chân. Việc này sẽ giúp hạn chế acid trào lên thực quản vào ban đêm khi bạn đi ngủ. Tuy nhiên, bạn nên nâng đầu giường bằng cách chèn thêm phía dưới các chân chứ không nên sử dụng quá nhiều gối. Khi sử dụng gối, đầu bạn chỉ đặt ở một góc cố định và sẽ tạo nhiều áp lực hơn lên dạ dày, gây đau mỏi vùng vai gáy.
Bên cạnh đó, nằm nghiêng bên trái khi ngủ cũng giúp ích rất nhiều cho hệ tiêu hóa nhưng việc này lại gây áp lực lên tim. Do vậy bạn không nên nằm ở tư thế này quá lâu.
Chất nicotin trong thuốc lá làm suy yếu chức năng của cơ vòng thực quản dưới. Sự suy yếu của dải cơ này khiến lượng chất bị trào ngược nhiều hơn.
Tránh các thực phẩm và đồ uống gây trào ngược
Một số loại thức ăn và đồ uống sẽ kích thích dạ dày của bạn khiến tình trạng trào ngược acid trầm trọng hơn. Các tác nhân phổ biến gồm:
- Nước sốt và các sản phẩm có nguồn gốc từ cà chua.
- Thực phẩm giàu chất béo: Thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ăn cay nóng.
- Nước ép cam, quýt.
- Nước ngọt, cafein, rượu.
- Sô cô la.
- Tỏi, hành tây, bạc hà.
Một số thực phẩm và đồ uống nên tránh với người mắc bệnh trào ngược dạ dày
Ăn chậm và không ăn quá nhiều mỗi bữa
Chia nhỏ khẩu phần ăn mỗi bữa để giảm lượng thức ăn vào dạ dày. Thay vì ba bữa lớn mỗi ngày, người bệnh nên chia thành bốn đến năm bữa nhỏ để giảm áp lực cho dạ dày. Ngoài ra nên ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày không phải co bóp quá nhiều và giảm thời gian lưu tại dạ dày của thức ăn. Đây cũng là một phương pháp để duy trì mức cân nặng hợp lý.
Mặc quần áo quá chật có thể làm tăng các đợt trào ngược acid dạ dày thực quản. Đặc biệt là khi mặc quần hoặc sử dụng thắt lưng quá chật. Cả hai đều gây ra những áp lực không cần thiết lên vùng bụng, do đó góp phần đẩy thức ăn ngược lên thực quản.
Căng thẳng là yếu tố làm tăng áp lực lên dạ dày. Do đó, các hoạt động tự thư giãn như yoga, thiền định cũng là phương pháp có ích trong điều trị trào ngược dạ dày.
>>>Xem thêm: Kinh nghiệm chữa trào ngược dạ dày- thực quản
Cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày nhờ thảo dược
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc tây và điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt, sử dụng các thảo dược cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình chữa trị bệnh trào ngược dạ dày. Đặc biệt là chiết xuất hạt bưởi cũng được đánh giá cao trong hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Kyung-Hee (Seoul, Hàn Quốc), chiết xuất hạt bưởi có tác dụng giảm tổn thương dạ dày do căng thẳng tinh thần và rượu gây ra. Hơn nữa, hoạt chất naringenin được tìm thấy trong hạt bưởi có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn H.pylori. Nên chiết xuất hạt bưởi có hiệu quả rất tốt trong việc bảo vệ dạ dày nhờ đó giúp ích cho việc chữa trị trào ngược acid dạ dày thực quản.
Hạt bưởi có tác dụng làm giảm tổn thương dạ dày do rượu và stress
Bên cạnh hạt bưởi, glycine cũng là một hoạt chất có hiệu quả cao khi sử dụng trong chữa trị các bệnh lý dạ dày.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học chứng minh rằng: Glycine có tác dụng ức chế tiết dịch vị, giảm các triệu chứng ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, đau rát vùng thượng vị và tình trạng tổn thương, viêm thực quản do trào ngược dạ dày gây ra.
Không chỉ vậy, nghiên cứu của khoa y trường Đại học Nagoya Nhật Bản cũng đã khẳng định glycine có tác dụng ngăn cản sự nhân lên của vi khuẩn H.pylori kháng kháng sinh và tăng khả năng diệt khuẩn của amoxicillin lên nhiều lần. Điều này cho thấy dạ cẩm tím không chỉ có hiệu quả trong điều trị trào ngược dạ dày mà còn có tác dụng tốt với bệnh viêm dạ dày - tá tràng.
Một số câu hỏi thường gặp
Ngoài những vấn đề phổ biến trên, chúng tôi còn hay nhận được một số câu hỏi khác từ người bệnh như: Điều trị trào ngược dạ dày trong bao lâu? Trào ngược dạ dày thực quản có lây không?
Thời gian điều trị trào ngược dạ dày
Theo nghiên cứu của trường y khoa Feinberg thuộc đại học Northwest, Chicago cho thấy bệnh trào ngược dạ dày được điều trị đúng cách sẽ khỏi sau 2 đến 8 tuần. Tuy nhiên nếu đã gây ra biến chứng viêm loét thực quản thì bệnh sẽ tái phát sau khi ngừng điều trị 6-9 tháng. Do vậy, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị (chẳng hạn như sử dụng các thảo dược tốt cho bệnh lý dạ dày - thực quản) để ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Trào ngược dạ dày có lây không?
Bệnh trào ngược dạ dày không lây. Vì nguyên nhân gây bệnh là do cơ vòng thực quản dưới không đóng được hoàn toàn mới dẫn đến tình trạng acid dạ dày chảy ngược vào thực quản.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã nhận được những thông tin cần thiết về bệnh trào ngược dạ dày như: Dấu hiệu bệnh, các yếu tố nguy cơ và một số phương pháp chữa trị. Nếu còn những thắc mắc khác về bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn hãy để lại câu hỏi, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Link tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/symptoms-causes/syc-20361940
https://www.healthline.com/nutrition/heartburn-acid-reflux-remedies#TOC_TITLE_HDR_5
https://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/heartburn_gerd_treatment_care