Viêm loét dạ dày ngày càng phổ biến và có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng bằng một số loại thuốc chuyên biệt. Vậy viêm loét dạ dày uống thuốc gì? Cùng tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là bệnh biểu hiện bằng những vết trợt, loét niêm mạc dạ dày gây ra cảm giác khó chịu, nôn nao hoặc đau vùng thượng vị. Vết loét hình thành là do axit tiêu hóa bào mòn lớp niêm mạc dạ dày. Theo đó, nguyên nhân phổ biến gây ra viêm loét dạ dày là:

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Đây là chủng vi khuẩn có khả năng sinh trưởng trong môi trường axit của dạ dày. HP làm gia tăng lượng axit tiết ra từ dạ dày, gây viêm lớp niêm mạc bề mặt và phá hủy lớp màng bảo vệ dạ dày, dẫn đến hình thành các vết loét.
  • Dùng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) không hợp lý: Khi sử dụng ở liều cao và trong thời gian, thuốc NSAID có thể làm thay đổi cấu trúc màng bảo vệ đường tiêu hóa, góp phần hình thành viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ cũng có thể dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày, bao gồm: Hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều thức ăn cay nóng, căng thẳng...

Viêm loét dạ dày uống thuốc gì?

Điều trị viêm loét dạ dày hiện nay chủ yếu là dùng thuốc, tùy vào nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh. Những thuốc được chỉ định gồm:

Thuốc kháng tiết axit dạ dày

Thuốc kháng tiết axit dạ dày gồm 2 nhóm chính là thuốc ức chế thụ thể histamin H2 và thuốc ức chế bơm proton. Tuy cơ chế hoạt động khác nhau nhưng cả 2 nhóm đều giúp giảm sản sinh axit dạ dày, giảm các triệu chứng đau, nóng rát, khó chịu và giúp làm lành vết loét. Một số thuốc thông dụng có thể kể đến như: Cimetidin, ranitidin, omeprazol, esomeprazol...

Thuốc trung hòa axit dạ dày (antacid)

Đây là thuốc giúp trung hòa axit dạ dày và giảm triệu chứng đau rát. Thuốc thường có thành phần như magnesi trisilicat, nhôm hydroxit, canxi cacbonat... giúp ích trong điều trị viêm loét dạ dày cũng như các bệnh rối loạn tiêu hóa và trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, thuốc không chữa căn nguyên gây bệnh và tiềm ẩn một số tác dụng phụ như: Tiêu chảy, táo bón, đầy hơi…

Thuốc bao phủ ổ loét, bảo vệ dạ dày

Sucralfate là thuốc có tác dụng bao phủ ổ loét thường được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày. Thuốc hình thành nên một lớp bao phủ ngoài trên chỗ viêm loét, bảo vệ nó không bị tổn thương, giúp viêm loét lành lặn nhanh hơn.

Thuốc kháng sinh

Nếu xác định nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là do vi khuẩn HP, cần sử dụng các thuốc kháng sinh để điều trị. Tùy vào tiền sử và khả năng dung nạp thuốc mà bác sĩ có thể chọn các loại kháng sinh khác nhau như: Amoxicillin, clarithromycin, tetracyclin...

Các thuốc khác

Mucosta hoặc Rebamipide là một hợp chất được lựa chọn từ các chất tương tự Amino acid của 2 (aH) - Quinolone. Nó có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày tiết ra prostaglandin, cải thiện chất lượng của chất nhầy dạ dày bằng cách làm tăng thành phần glycoprotein, ức chế sự bám dính của HP vào niêm mạc dạ dày, ức chế bạch cầu trung tính sản sinh cytokine... Do đó, nó có tác dụng làm lành ổ loét, ngăn ngừa loét tái phát, đồng thời làm giảm triệu chứng viêm.