“Viêm niêm mạc dạ dày nên ăn gì?” là thắc mắc của rất nhiều người, khi đây là một trong những tổn thương thường gặp tại dạ dày, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người mắc. Nếu bạn cũng đang tìm kiếm lời giải đáp cho thắc mắc trên, hãy tham khảo ngay những thông tin trong bài viết sau! 

Viêm niêm mạc dạ dày là bệnh gì?

Về cấu tạo, dạ dày được cấu tạo từ 5 lớp và niêm mạc nằm ở vị trí trong cùng. Lớp niêm mạc này chứa các tuyến tiết dịch tiêu hóa nhằm phân cắt thức ăn, phục vụ cho sự hấp thu tại ruột.

Khi bị viêm nhiễm, bệnh sẽ gây nên các triệu chứng điển hình: Đau bụng âm ỉ hay dữ dội, đắng miệng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, đau rát thượng vị, buồn nôn... Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, viêm niêm mạc dạ dày có thể trở thành mạn tính rất khó điều trị.

Tình trạng viêm niêm mạc dạ dày

Nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm niêm mạc dạ dày như: Nhiễm vi khuẩn H.pylori, uống nhiều rượu, bia, căng thẳng kéo dài,… Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, nguyên nhân sâu xa gây bệnh là do mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ (lớp chất nhầy, nồng độ HCO3-, prostaglandins...) và yếu tố tấn công (nồng độ acid dạ dày, vi khuẩn H.pylori,…).

Do đó, trong quá trình điều trị, cần tác động đến vấn đề cốt lõi này thì mới khắc phục được tình trạng bệnh nhanh chóng và hiệu quả.

Viêm niêm mạc dạ dày nên ăn gì?

Chế độ ăn uống đóng vai trò không nhỏ trong quá trình tiến triển và hồi phục của bệnh. Bởi vậy, vấn đề viêm niêm mạc dạ dày nên ăn gì cần được tìm hiểu cụ thể. Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên bổ sung khi bị bệnh, cùng tham khảo ngay nhé:

Thực phẩm giảm tiết acid dạ dày 

Điển hình là thức ăn chứa tinh bột. Đây là nhóm thực phẩm có khả năng giảm tiết acid dạ dày, giúp thấm hút bớt acid, nhờ đó hạn chế vết loét tiến triển. Bạn có thể ăn: Cơm, cháo, súp, khoai lang, khoai tây,... thay đổi trong bữa ăn hàng ngày.

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Sử dụng các thực phẩm này sẽ giúp tăng khả năng làm lành mô tổn thương, tái tạo tế bào, giảm viêm, bên cạnh đó còn có thể ức chế sự hoạt động của vi sinh vật, chống lại các gốc tự do và giảm nguy cơ biến chứng thành khối u. 

Các loại rau củ, trái cây tươi là nguồn chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất rất tốt cho cơ thể mà người bị viêm niêm mạc dạ dày nên ăn, chẳng hạn như: Bông cải xanh, rau mầm, đậu bắp, cần tây, táo, kiwi, bơ,... hoặc các gia vị như: Nghệ, tỏi, ớt chuông,...

Thực phẩm giàu lợi khuẩn, kích thích tiêu hóa

Khi bị viêm niêm mạc dạ dày, bạn cũng có thể bổ sung sữa chua bởi chúng chứa enzyme, lợi khuẩn và probiotic nên giúp cân bằng hệ vi sinh, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện chứng khó tiêu và giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, bạn không nên ăn lúc đói vì có thể gây cảm giác đau bụng.

Sữa chua giúp ngăn ngừa viêm niêm mạc dạ dày

Bên cạnh đó, bạn nên chú ý:

- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 4 - 5 bữa, không nên bỏ bữa, cần ăn chậm, nhai kỹ.

- Chế biến thành các dạng mềm, dễ nhai nuốt. 

- Kiêng sử dụng các chất dễ gây kích ứng dạ dày như: Cafe, trà đặc, rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chua, cay, nóng hoặc đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.

- Hạn chế căng thẳng, thư giãn tâm lý thường xuyên, bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến viêm niêm mạc dạ dày tiến triển.